Sửa chữa, dọn dẹp, trang trí nhà cửa là việc làm không thể thiếu của mỗi gia đình vào dịp cuối năm âm lịch để đón tết. Mỗi người, mỗi nhà có một cách làm và nội dung công việc khác nhau, nhưng đều chung mục đích là làm sao cho nhà tiện nghi, thẩm mỹ, sạch sẽ trong dịp xuân về. Tuy nhiên, nếu không thận trọng, thì gia chủ có thể mắc phải sai lầm ở những công việc đó, và hẳn nhiên kết quả sẽ không như mong đợi.
Triển khai công việc sửa chữa nhà cận kề ngày tết
Một ngôi nhà ở bình thường, đang sử dụng rất ít khi hoàn hảo 100%; nó luôn có những vấn đề, khiếm khuyết xảy ra trong quá trình sử dụng. Ví dụ đơn giản nhất như cái bóng đèn bị cháy, cái vòi nước bị rò rỉ, mảng tường bị thấm…; còn phức tạp hơn thì rất nhiều chuyện. Nhiều người không sửa ngay với tâm lý để gần tết sửa một thể cho bõ công gọi thợ. Tuy nhiên khi sắp tết gọi thì… không có thợ. Bởi thời điểm cuối năm ai cũng muốn sửa chữa nhà, nên thợ xây dựng luôn đắt khách – nhất là những đội, nhóm thợ có uy tín. Có những công việc đơn giản như trên đã đề cập, việc sửa chữa chỉ là thay cái bóng đèn hay cái vòi nước; nhưng cũng có những gia chủ sửa chữa nhiều và lớn hơn, như sơn lại cửa sắt, hàng rào, xử lý chống thấm tường – mái, sơn lại tường, thay đổi – đóng mới đồ nội thất… Có những nhà còn cải tạo quy mô như cải tạo tường xây, chỉnh sửa kiến trúc, ốp lát lại tường, nền; cải tạo hệ thống điện nước. Những việc này làm không thể một vài ngày mà có thể kéo dài cả tháng. Thế nên xác định khối lượng và tính chất công việc là điều cần thiết để có một kế hoạch từ sớm chứ không nên để “nước đến chân mới nhảy”.
Việc giáp tết gọi thợ khó là một chuyện, còn chuyện nữa là gia chủ sẽ bị chịu giá cao mà chất lượng thi công không đảm bảo vì thợ phải “chạy sô” nhiều nơi, hoặc làm ẩu để nhanh về quê ăn tết. Giá vật tư, thiết bị thời điểm giáp tết cũng cao hơn ngày thường. Thêm nữa, tết còn bận bịu bao việc khác không chỉ là chuyện sửa nhà, nên chủ nhà cũng không có nhiều thời gian và tâm trí để giám sát thợ, nên chất lượng công việc càng bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Tốt nhất, việc sửa chữa nhà cửa nên bắt đầu trước tết từ 3 đến 4 tháng – tùy khối lượng, nhưng không nên kéo dài qua ngày ông Công ông Táo, 23 tháng chạp âm lịch.
Làm vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa không đúng cách
Sau khi sửa chữa, cải tạo là vấn đề dọn dẹp vệ sinh. Hoặc kể cả nhà không có sửa chữa cải tạo thì cũng vẫn phải làm việc này để đón tết. Nhưng nếu không biết cách làm, hay làm không đúng quy trình thì sẽ mệt nhiều, tốn thời gian mà không hiệu quả.
Làm vệ sinh tổng thể nhà cũng giống như làm vệ sinh công nghiệp ở công trình mới thi công xong hay vệ sinh định kỳ. Theo đó, phải làm tuần tự theo quy trình công việc, quy trình không gian – vị trí. Các trình tự là: trên trước – dưới sau; trong trước – ngoài sau, ướt trước – khô sau, nặng trước – nhẹ sau… Cụ thể là làm từ tầng trên xuống dần tầng dưới; trong phòng thì làm từ trần, tới tường, cửa, sau đó là sàn; làm từ phía trong phòng ra đến phía ngoài rồi ra dần cửa, hành lang, cầu thang; những khu vực cần nước, chất lỏng tẩy rửa cần làm trước để tránh làm ướt những chỗ đã vệ sinh khô; quét dọn, dịch chuyển những vật nặng, rác rồi sau đó mới vệ sinh vết bẩn, bụi bẩn…
Căn cứ vào quy trình đó, cùng với số lượng người tham gia thực hiện và khả năng của mỗi người (trong gia đình có thể có cả người già, trẻ em cùng làm), bạn hãy bố trí nội dung công việc cho mỗi người sao cho khoa học và phù hợp để có hiệu quả cao nhất.
Hiện nay có rất nhiều các cơ sở dịch vụ dọn dẹp vệ sinh nhà cửa trong dịp tết (và cả ngày thường). Đây là một lựa chọn tốt cho những chủ nhà eo hẹp về thời gian và thiếu nhân lực. Mặc dù giá cả những ngày giáp tết cao gấp 1,5-2 lần so với bình thường nhưng vẫn được các chủ nhà chấp nhận vì công việc hiệu quả do công nhân chuyên nghiệp làm đúng quy trình, có đầy đủ các thiết bị, phương tiện chuyên biệt.
Trong lúc làm vệ sinh, các chủ nhà sẽ dọn ra được một đống đồ cũ, hỏng, đồ không dùng đến, hay những thứ chẳng biết để làm gì. Hãy mạnh dạn loại bỏ bớt để cho nhà thêm thoáng đãng và sạch sẽ.
Không cẩn trọng về vấn đề an toàn trong khi sửa chữa, dọn dẹp
Quá trình thi công sửa chữa và quá trình dọn dẹp, làm vệ sinh nhà cửa không phải là công việc nhẹ nhàng mà tương đối vất vả, thậm chí ảnh hưởng tới sức khỏe và nguy hiểm. Vì vậy, sẽ là sai lầm nếu bạn coi nhẹ công việc này và không cẩn trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và đảm bảo an toàn lao động. Đã có những trường hợp (cả chủ và thợ) bị điện giật, bị ngã khi trèo cao; hay đơn giản và… lãng xẹt là bị cảm lạnh do tiếp xúc với nước lạnh quá nhiều, hay ốm vì làm việc quá sức.
Sức khỏe là quan trọng nhất, bạn hãy luôn nhớ tới điều này khi làm các công việc đó. Cần hết sức thận trọng và chuẩn bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động, thiết bị an toàn trong quá trình làm việc cho cả chủ và thợ.
Sẽ thật đáng buồn nếu bị ốm trong dịp tết hay tệ hơn – phải đón tết trong bệnh viện.
Sắm nhiều đồ nội thất để làm mới không gian
Ngôi nhà đón xuân cần sự mới mẻ, ấn tượng, thẩm mỹ – đó là điều đương nhiên. Nhưng đừng nghĩ rằng phải sắm đồ mới thì không gian của bạn mới có điều đó. Thực tế, có nhiều người rất thích sắm đồ nội thất để ăn tết, để làm cho ngôi nhà mình sang hơn. Đồ nội thất có thể là một bộ sofa, một cái kệ tivi, một bàn ăn; cũng có thể là đồ nội thất – gia dụng như tivi, dàn âm thanh, tủ lạnh; hoặc là những phụ kiện như thảm, rèm, đồng hồ, tranh treo tường… Nếu không có mắt thẩm mỹ và sự am hiểu về nội thất, thì có khi những thứ mới đó lại làm không gian xấu hơn vì không phù hợp, và tất nhiên là tốn tiền mà không hiệu quả. Dọn dẹp vệ sinh, sắp xếp hợp lý, trang trí đúng cách có thể đã làm không gian của bạn rất khác so với ngày thường, mang sắc thái mới mẻ và hương vị tết. Cách tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến của nhà chuyên môn, và cũng cần xem xét các đồ đang dùng, đã cũ, hỏng hay chưa trước khi đưa ra những quyết định mua sắm.
Quá tham trong trang trí
Trang trí là công đoạn cuối cùng và công việc này cũng nhẹ nhàng nên các gia chủ thường tự làm. Tuy vậy, không phải ai cũng biết cách để trang trí ngôi nhà của mình thêm đẹp trong dịp tết. Nhiều người rất tham trong trang trí, trang trí quá nhiều và điều đó trở thành tác dụng ngược. Ví dụ như trong phòng khách, đã trưng một cành đào, rồi ở kệ tivi lại có bình hoa, bàn sofa cũng có hoa, góc nhà vẫn còn cây thông từ dịp Noel. Nhìn quanh toàn thấy cây và hoa, không có điểm nhấn. Có căn phòng khách nhỏ nhưng chủ nhân lại trưng cây quất quá to, lấn át hết không gian. Hay trên bàn tiếp khách bày quá nhiều thứ như hộp bánh mứt, trái cây, bình hoa, chai rượu, ấm chén… tạo cảm giác bộn bề. Trên cây đào, mai, quất trong dịp tết hay được treo bưu thiếp, các đồ trang trí nhưng nếu treo quá nhiều thì lại làm xấu chủ thể.
Một không gian khác là phòng thờ, bàn thờ cũng được quan tâm bày biện trang trí trong dịp tết; và nhiều người cũng bày quá nhiều thứ lên bàn thờ, không làm đẹp thêm mà lại làm lộn xộn, mất cả vẻ tĩnh lặng tôn nghiêm.
Cần phải biết tiết chế, hiểu và nắm rõ không gian của mình để trang trí cho phù hợp, đừng nghĩ rằng “nhiều” hay “to” hay đắt tiền mới là sang, là đẹp!
Nguồn: Tạp chí Kiến trúc và Đời sống
NỘI DUNG LIÊN QUAN