“Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” là câu truyền miệng lâu ngày thành quen, thành thái độ giữ gìn vệ sinh cho nơi ăn chốn ở. Nhưng một không gian sống sạch trong thời buổi đô thị hóa ồ ạt và môi trường sống nhiều biến động dường như không chỉ bó hẹp trong khái niệm “vệ sinh sạch sẽ”, mà liên quan nhiều khía cạnh cả về vật lý lẫn tâm lý.
Từ không gian làm sạch như phòng tắm, nơi rửa chén, đến làm sạch không gian thông qua chọn chất liệu hoặc tiết giảm bài trí đồ đạc là những vấn đề giới chuyên môn hay gặp phải khi làm nhà ở.
Khi chỗ nào cũng đều thấy… dơ!
Một trong những câu hỏi phổ biến khi bàn bạc phương án thiết kế nhà giữa gia chủ và kiến trúc sư, đó là “kiểu này có sạch không?”. Hầu như cuộc tranh luận nào trong quá trình thảo luận giữa đôi bên cũng đều xuất hiện kiểu nói phủ định cho một giải pháp: “Thôi, đừng làm cái đó, khó vệ sinh lắm”.
Bà T. ở quận 7 khá tự hào với cậu con trai là kiến trúc sư trẻ vừa tốt nghiệp định làm nhà cho gia đình mình theo kiểu nhiệt đới đương đại khá thịnh hành gần đây. Nhưng khi nhìn phối cảnh mặt tiền ngôi nhà tương lai gắn toàn gạch bông gió mà cậu con rất tâm đắc thì bà hỏi ngay: ai lau bụi nổi từng viên? Sang phần nội thất cũng tương tự, khi một số không gian được chàng kiến trúc sư trẻ dự kiến tô xi măng trần láng nền, lát gạch bông kiểu cũ ghép thành mảng, và tận dụng cửa lá sách làm mảng trang trí cho phòng ăn, thì điệp khúc quen thuộc lặp lại: “Ba cái thứ đồ cũ hồi xưa xài rồi bỏ lâu rồi, sao giờ lại muốn đem ra làm lại chi vậy. Đẹp xấu gì má không biết nhưng mà dơ lắm!”. Và chàng kiến trúc sư trẻ tuổi cũng loay hoay không thể tìm minh chứng nào thuyết phục hơn, bởi đúng là mấy vật liệu kể trên cũng… dơ thiệt, ít ra là khi so sàn xi măng trần với gạch bóng kính, so nền gạch bông với đá granit, hay cửa gỗ lá sách cũ với ván MDF, thì việc làm sạch dường như vất vả hơn.
Có thể nói không ngoa rằng: mọi bề mặt vật liệu trong nhà đều liên quan đến chuyện sạch hay dơ, dễ hay khó trong xử lý vệ sinh. Tuy nhiên mức độ thế nào là dơ hay sạch thì lại khá tương đối, khó định lượng rõ ràng tùy theo gia đình, người sử dụng và môi trường chung quanh nơi công trình tọa lạc. Như lời một Việt kiều về thăm quê đã phải ngạc nhiên thốt lên: sao ở bển em chỉ cần hút bụi 2 lần một tuần, chẳng khi nào xài chổi và cây lau nhà, mà về đây chỉ 2 ngày không lau chùi dọn dẹp là bụi đầy, trong nhà lúc nào cũng có rất nhiều chất tẩy rửa, từ hóa chất công nghiệp đến pha chế thủ công kiểu dân gian. Rồi nhà trên Đà Lạt có sạch hơn nhà dưới Sài Gòn, căn hộ tầng 15 không bị bụi như gác lửng hẻm nhỏ… trở thành những tranh luận khó kiểm chứng nhưng lại dễ kết luận: thôi, làm kiểu khác đi, sao cho sạch sẽ dễ vệ sinh là được!
Mà oái ăm thay, cái “kiểu khác” ấy nhiều khi là chọn lại toàn bộ gạch lát, thay đổi kiểu hàng rào sắt, hoặc tìm phong cách mặt tiền khác, những ca khó đỡ mà kiến trúc sư nào cũng ngán. Đa số là phép vua phải thua… lệnh bà, bởi câu chốt hạ cuối cùng của các nữ gia chủ: mấy ông thích thì làm, rồi đi mà dọn nhé, tui không rảnh mà… dành cả thanh xuân để dọn dẹp đâu!
Khi chữ sạch không dễ tìm
Kiến trúc sư Bình Phương chia sẻ rằng, không ít lần cô đi chọn vật liệu hoàn thiện cùng khách hàng phải ngậm ngùi bỏ qua một mẫu nào đó rất đẹp vì liên quan đến chuyện sạch – dơ. Cô tạm tổng kết những vị trí mà nhà thiết kế cần phải “hết sức cảnh giác” nếu không bị làm lại phương án hoặc thay đổi vật liệu, đó là:
– Các bề mặt hoàn thiện khu vệ sinh và bếp, bao gồm gạch đá ốp lát, dạng tủ kệ trong bếp và toa lét, kiểu đóng trần… đa số đều ngại ám khói hoặc đọng ẩm, dù tấm trần hiện nay đều kháng ẩm rất tốt.
– Các chi tiết hoa văn, họa tiết thuộc về sắt hay gỗ, trong đó kiểu dáng đơn giản và thanh đứng được chuộng hơn thanh nằm ngang, mảng rộng được chọn thay cho mảng nhỏ chia nhiều ngóc ngách, còn họa tiết cổ điển chỉ được duyệt nếu gia chủ là dạng “nhà có điều kiện” với người giúp việc thường xuyên chùi rửa.
– Rất ít gia chủ chọn thảm cầu kỳ nếu nhà không gắn máy lạnh và có hút bụi thường xuyên. Các dạng rèm sáo băng ngang cũng bị cho là dễ bám bụi, và đèn chùm nhiều chi tiết thì hầu như được xác định là “mua để làm sang cho phòng khách cổ điển, chứ chắc chắc là khó vệ sinh!”.
Thế gạch bông hay gạch tàu có dơ không, nghe nói có cách xử lý đẹp bóng bền sạch mà! Chính người viết bài này đã phải “khốn khổ khốn nạn” khi dùng khoảng 15 mét vuông gạch bông trong phòng làm việc của mình. Dù đã làm đủ cách xử lý theo nhà sản xuất và bên thi công khuyến cáo, rồi hút bụi và lau chùi thường xuyên, nhưng lúc nào cũng thấy như có lớp bụi phấn li ti trên bề mặt. Những hoài niệm thuở trước được ngồi bệt xuống sàn ăn uống, vui chơi như hồi còn ở nhà cũ có sàn gạch bông láng bóng nay không còn. Vào phòng mình mà luôn mang dép như vào quán café, còn vợ con thì được dịp trêu chọc: hên quá phòng mình lát sàn gỗ, thôi ba ráng chịu khó đến khi về hưu lột ra làm lại ha! Cho đến giờ, thú thật người viết bài này cũng không hiểu là do vật liệu, do kỹ thuật thi công, bảo dưỡng, hay do… định mệnh mà cái sàn gạch bông phòng mình dù mới làm có 3 năm đã rất nhem nhuốc. Mỗi khi đi hàng quán thấy người ta lát sàn gạch bông đẹp bóng đều thèm thuồng, đều thắc mắc và câu trả lời được nhận là: ngó vậy thôi chứ cũng dơ lắm, làm nơi quán xá có người dọn, và mang giày thường xuyên thì không sao!
Nhiều nhà thầu đã tổng kết rằng: gia chủ tuổi càng trẻ thì càng… ở dơ, tuổi càng già càng ngại dọn dẹp! Có thể thấy rằng, những người trẻ thường hướng ngoại, ra ngoài nhiều chứ ít dành thời gian dọn dẹp nhà cửa, nhưng lại khoái không gian sống của mình phải có chất, phải ngầu, nên họ sử dụng không ít vật liệu thô mộc, nhám sần, dễ bám bẩn và khó vệ sinh. Ngược lại, các gia chủ trung và cao niên ở nhà nhiều hơn, kinh nghiệm dọn dẹp cũng nhiều hơn nên cũng khá cực đoan trong việc chọn giải pháp làm nhà sao cho sạch sẽ. Có gia chủ ngại bám bụi đến nỗi thậm chí len gạch chân tường cũng yêu cầu nhà thầu thụt sát vào cho phẳng mặt tường để không thành một gờ nhô ra dù là rất ít. Các góc tường nhiều người cũng yêu cầu dùng nẹp inox bọc lại tránh va chạm và vịn tay bám dơ. Còn hệ thống tủ sách hay tủ kệ thời kỳ còn trẻ khoái trưng ra dạng kệ hở, sau vài lần bám bụi dọn cực quá là đến thời kỳ bó kín vào sau các tủ kính, thậm chí có người cực đoan cất hết sách vô thùng giấy, khi cần đọc lục thùng tìm, trong nhà lúc nào cũng đầy các loại thùng và hộp nhựa các loại to nhỏ như một cái kho.
Muốn nhà sạch cần nhiều công sức
Có thời kỳ hình ảnh quen thuộc của các tiệm ăn hoặc phòng mạch ở Sài Gòn là những mảng tường ốp gạch men cao ngang đầu, thậm chí tới trần. Một số nhà hiện nay cũng ốp gạch khổ lớn cho không gian garage, ốp kính chịu nhiệt trong bếp thay cho ốp gạch vốn có nhiều đường joint bám dầu mỡ. Các hãng sơn thì không ngớt quảng cáo tính năng làm sạch, chống bám bẩn, dễ chùi rửa như một tiêu chí quan trọng cốt lõi, trong khi không ít gia chủ quan niệm rằng, thôi thì cứ gắn kính kín mít là đỡ bụi, khiến nhiều nhà dù trời mát vẫn phải bật máy điều hòa thường xuyên do gia chủ không muốn hoặc không thể mở cửa ra bên ngoài được.
Rõ ràng là khi môi trường ngày càng ô nhiễm thì nhà sạch và ít tốn công dọn dẹp càng thành tiêu chí quan trọng. Nhà sạch trong mắt nhìn khiến màu sơn trắng trở thành chủ đạo, kiểu dáng nhà cũng ít ngóc ngách hay góc nhọn mà chủ yếu là bo tròn, thay vì tay nắm bám dơ thì hiện nay khá thịnh hành kiểu cánh tủ vát cạnh… Làm nhà sao cho sạch còn nhiều những câu chuyện lớn nhỏ, có thể tạm tổng kết ở các khâu sau:
– Khảo sát – đánh giá: nhà chuyên môn cần lắng nghe các chia sẻ của khách hàng, nhất là những gia chủ vào độ lớn tuổi và không nhiều khả năng, kinh phí, công sức để dọn dẹp. Khảo sát và đánh giá đúng hiện trạng, bối cảnh khu vực xây dựng, tập quán ăn ở của gia chủ… sẽ giúp thiết kế chọn lựa giải pháp và vật liệu hợp lý và sạch sẽ hơn là làm theo ý kiến chủ quan của bên thiết kế.
– Tư vấn – thiết kế: Có những công trình hoặc hạng mục bắt buộc phải đảm bảo sạch sẽ, như phòng mạch khám bệnh, phòng trẻ em, khu bếp núc, khu vệ sinh… và nhà chuyên môn cần tư vấn các giải pháp thiết kế sao cho đa số không gian luôn đầy đủ nắng gió, ít tù đọng ẩm thấp, ít ngóc ngách phức tạp dẫn đến khó dọn dẹp lau chùi. Đây là vấn đề mang tính nguyên lý, không phải chuyện ý thích cá nhân.
– Xây dựng – hoàn thiện: Từ bản vẽ đến thực tế vẫn luôn cần nhiều nỗ lực để chọn giải pháp thi công phù hợp và hoàn thiện ngôi nhà đúng chuẩn kỹ thuật để sau này không gặp các lỗi như joint xi măng lát gạch không đều, độ dốc sàn nước không đủ, thiếu gờ móc nước mặt dưới ban công, sê nô… Với những dạng vật liệu và kiểu hoàn thiện thô mộc, cần đảm bảo chọn lựa giải pháp xử lý bề mặt ít bám bẩn và dễ làm vệ sinh. Nên hướng đến các chất liệu hiện đại có kích thước rộng, ít mối nối như kính, gạch, đá khổ lớn; giảm thiểu các dạng phào chỉ gờ phức tạp nhất là với những ngôi nhà trong khu vực nhiều bụi bặm.
– Sử dụng – bảo trì: quá trình sử dụng phụ thuộc nhiều vào gia chủ, nên cần lượng sức và xác định các nguyên tắc chọn lựa đồ đạc, vật dụng, giải pháp tương ứng. Ví dụ như nhà thường xuyên nấu nướng khói mùi thì nên thêm khoảng sân trống đặt bếp phụ, nhà có nuôi thú cưng thì phải có chỗ cho chúng đi vệ sinh và dễ dọn dẹp xịt rửa, nhà có trẻ em còn nhỏ tuổi thì tránh dùng các loại thảm, hoặc bề mặt thô nhám khó chùi rửa… Nên định kỳ thuê các dịch vụ làm vệ sinh nhà cửa chuyên nghiệp, kết hợp với dọn dẹp, thanh lý bớt đồ cũ, hoặc bố trí kho hợp lý, tránh để nhà cửa bề bộn và có nhiều ngóc ngách, bề mặt lưu bụi.
Như một vòng sinh lão bệnh tử rồi lại sinh, từ sử dụng lại quay về nhu cầu khảo sát, tổng kết, cả 4 công đoạn kể trên đều có những kinh nghiệm thực tiễn được rút tỉa lại. Vấn đề sạch hay dơ trong nhà ở không nằm về một phía nào, mà liên quan mật thiết đến bối cảnh, con người, công năng, kỹ thuật, chi phí… đi cùng. Quan niệm của gia chủ trong sử dụng thế nào thì sẽ khuyến cáo thiết kế – thi công theo thế ấy, khả năng tới đâu thì giải pháp tới đó. Kỹ lưỡng như vậy nhưng vẫn như lời một gia chủ cũng là nhà thầu xây nhà cho mình mà hàng năm cứ 6 tháng phải kêu vệ sinh công nghiệp đến xử lý một lần: thôi thì có sức chơi có sức chịu vậy!
Xem thêm: Một số sai lầm trong việc sửa chữa, dọn dẹp và trang trí nhà dịp cuối năm
Theo Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống
NỘI DUNG LIÊN QUAN