Một khách hàng tại Sài Gòn mua một bộ đèn chùm bằng đá của Tây Ban Nha hơn chục triệu đồng treo trang trọng trong phòng khách. Một hôm, nhà chuyên môn trông thấy nên nghi ngờ, xem kỹ thì phát hiện nhãn hiệu của chính hãng được in nan ná, lệch một mẫu tự kề chữ Spain (Tây Ban Nha). Gia chủ chưa tin, mời người của chính hãng đến xem và họ xác nhận là hàng… dỏm. Vài tháng sau, đèn tự dưng vỡ rơi xuống từng mảnh đá!
Dưới áp lực của khí hậu nhiệt đới, nhiệt lượng của ánh sáng đèn, keo dán đá ghép “nhả” ra và vỡ. Đèn đá trang trí cao cấp của các chính hãng, nhất là ở châu Âu, thường được xén từng khối đá đẽo, gọt thủ công để cho ra các mẫu mã đèn nguyên vẹn. Nếu khi thực hiện thấy có vết nứt, hàng chính hãng sẽ loại thải. Hàng nhái, họ không “từ bỏ” – tận thu đến… tận cùng bằng những thủ thuật kết ráp, nối, ghép… rất tinh vi. Hàng cao cấp, từ một khối đá khi đẽo ra thành phẩm chỉ lấy được có 30%; hàng nhái, ngược lại, lấy đến 70% đá để làm đèn trang trí.
Mua đền cao cấp cần biết rõ nhãn mác
Như vậy, làm thế nào để người tiêu dùng có thể phân biệt được thiệt – giả trong khi thị trường có muôn trùng các loại đèn, thiết bị đèn nói chung? Và được người bán giới thiệu thật chắc chắn là hàng của Ý, Tây Ban Nha, Tiệp, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Bỉ, Úc, Áo… Tuy nhiên, trên thực tế để mua được hàng chính hãng, cần phải biết nhãn hiệu, tên của chính hãng hay vào Google tìm kiếm thêm chi tiết. Khi mua, cần xem kỹ lưỡng tên tuổi, chữ nghĩ vì thường bị lẫn lộn do họ cố tình đánh lừa! Đã có nhiều trường hợp như nhãn ghi chữ to đùng Toshiba hay Panasonic, nhưng hàng chữ ri rí bên cạnh là “đèn sử dụng bóng Toshiba, Panasonic”. Như vậy, chỉ có bóng là có tên hiệu, còn nguyên cái đèn chiếu sáng là của cơ sở “cha căng chú kiết” nào đó sản xuất.
Thị trường thường có hai dạng kinh doanh đèn: cửa hàng kinh doanh đại trà và công ty có tên tuổi, quy mô hẳn hoi. Người tiêu dùng cần đến các công ty có tên để được cam kết và bảo hành. Ở đó, họ có vận đơn nhập hàng từ nước ngoài rõ ràng và nhãn mác chính quy.
Theo khảo sát, có đến khoảng 90% là đèn của Trung Quốc có mặt trên thị trường. Có hai loại đèn trang trí và đèn thắp sáng. Đèn trang trí cao cấp của những hãng lớn thường được sản xuất ngay tại nước của họ chứ ít khi đem gia công ở một nước thứ ba; chỉ đèn thắp sáng thì có chuyển đi gia công cho giá rẻ hơn nhờ chi phí nhân công thấp, vận chuyển gần và bán đại số lượng nhiều. Tất nhiên hàng Trung Quốc loại tốt cũng có, nhưng phải là hàng có giá cao, ít ra, so với hàng châu Âu thì rẻ hơn chừng 20 – 25% là cùng.
Giá cả cũng là thước đo giá trị
Cũng có người cho rằng các tập đoàn đa quốc gia có thể đặt nhà máy ở nhiều nước trên thế giới. Điều quan trọng là các tập đoàn đó có chính sách kiểm soát, theo dõi chặt chẽ quy trình sản xuất, phân phối và kiểm tra chất lượng.
Bằng cảm quan, có thể nhận thấy phần nào hàng kém chất lượng như độ sắc sảo của đường nét. Ví dụ, hàng pha lê thì nặng hơn thủy tinh vì có 24% là oxyt chì, độ phát quan rực rỡ hơn; hoặc ánh sáng bật lên cũng khác, độ sáng trung thực hơn, … Chẳng hạn, hàng nhái của Trung Quốc rất giống hàng thật nhưng nét không được sắc, hơi thô và có phần mỏng manh hơn.
Chọn mặt gởi vàng
Chọn đèn trang trí cần quan tâm ba yếu tố là chất liệu làm đền, độ an toàn điện và mẫu mã thiết kế. Hàng nhái mau xuống cấp vì đền liên quan đến nhiệt nên chất liệu làm đèn kém thì mau bị biến đổi. Chất liệu thường được dùng sản xuất đèn như vải, đá, thủy tinh, pha lê, nhựa, sắt, gỗ, … Ngoài ra, chấn lưu, bóng, biến thế, đuôi đèn, … cũng tác động lớn đến chất lượng bộ đèn. Còn muốn không bị “qua mặt”, chỉ còn cách là “chọn mặt gởi vàng” – tìm thương hiệu tốt, nơi uy tín.
Hàng năm, hầu hết các sản phẩm của châu Âu đều bị nhái một số mẫu mã. Nếu khách hàng yêu cầu thì những đơn vị bán sẽ phải cung cấp được những chứng từ cần thiết về xuất xứ sảm phẩm. Hoặc khách hàng yêu cầu được cam kết nguồn gốc từ doanh nghiệp bán hàng. Những cửa hàng uy tín, có tên tuổi thường đáp ứng tốt những đòi hỏi trên.
Bên cạnh đó, có nhiều nhập nhằng quanh các ký hiệu về chất lượng sản phẩm. Nhiều đơn vị quảng bá là “sản phẩm của chúng tôi đạt tiêu chuẩn ISO hay đạt tiêu chuẩn CE, …”. Thực chất điều này không phải là chất lượng sản phẩm. ISO là chất lượng hệ thống quản lý doanh nghiệp. CE là nhà máy cam kết làm theo tiêu chuẩn châu Âu về an toàn điện – việc này họ làm và họ tự khai; nhưng vào Việt Nam thì lại mang ý nghĩa là chất lượng châu Âu. Điều này là không đúng và hàng xuất xứ từ Trung Quốc hầu như đều ghi CE như vậy.
NỘI DUNG LIÊN QUAN