Để tạm biệt năm cũ 2018 và chào đón năm mới 2019 sắp tới đây, mời chị em nội trợ cùng Kiến trúc Bộ Ba tìm hiểu cách lựa chọn mua sắm cũng như bảo quản thiết bị nhà bếp để có những bữa cơm gia đình ấm áp.
MÁY HÚT KHÓI, KHỬ MÙI
Máy hút khói, khử mùi thường có hai dạng: loại tiêu chuẩn phù hợp với các gian bếp truyền thống, loại ống khói kiểu châu Âu phù hợp với các gian bếp hiện đại rộng lớn. Loại ống khói còn tách biệt thành dòng ống khói kiểu độc lập dành cho những bếp lớn. Ống khói độc lập được treo trên trần nhà, giữa gian phòng của bếp và hút toàn bộ khói mùi trong nhà bếp. Để lựa chọn một máy hút khói, khử mùi người tiêu dùng nên lưu ý xem giải pháp nào thì phù hợp. Thông thường các máy hút khói, khử mùi đều có hai loại: loại hút khói, mùi trực tiếp theo đường ống và thải trực tiếp ra không khí ngoài trời, loại hút khói, mùi qua xử lý bằng than hoạt tính. Xu hướng của những ngôi nhà hiện đại khi lắp đặt máy hút khói khử mùi là nối đường ống khói trực tiếp ra ngoài trời, như vậy sẽ hút khói mùi triệt để hơn. Đối với loại dùng than hoạt tính thì chỉ xử lý khói mùi hiệu quả từ 80-90%. Ngoài ra, việc sử dụng loại than hoạt tính buộc phải thay thế bộ than này từ 6 – 12 tháng/lần, giá từ 200.000 – 250.000 đồng/bộ.
Nên lưu ý màng lọc bên ngoài cùng của máy. Đây là một bộ lọc bụi bẩn, dầu mỡ khi chiên xào, nấu nướng. Bộ màng lọc này tùy theo mỗi hãng sẽ có từ 2 – 4 lớp lọc khác nhau. Loại màng lọc này khoảng ba thnags phải tẩy rửa bằng nước rửa chén để làm sạch dầu mỡ, bụi bẩn dính trên màng lọc.
Nhiều trường hợp khách hàng phàn nàn về khả năng hút khói, khử mùi của máy không hiệu quả nhưng khi nhân viên kỹ thuật đến xem xét phát hiện cả năm trời khách hàng không vệ sinh màng lọc, máy không hút được khói.
Một yếu tố khác là vấn đề thẩm mỹ, người tiêu dùng nên lựa chọn một sản phẩm cùng màu sắc và phối hợp đồng bộ. Về kích thước, nếu dùng bếp gas có kích thước 70cm chiều ngang thì nên lựa chọn máy hút khói khử mùi từ 70 – 90cm không nên lựa chọn loại nhỏ hơn sẽ không làm việc hiệu quả và đồng bộ.
CHỌN TỦ LẠNH
Với gia đình từ 2 – 4 người thì chỉ cần tủ lạnh từ 120 – 260 lít, với gia đình đông hơn hoặc có nhu cầu cất giữ thực phẩm dài ngày thì chọn loại trên 300 lít – 400 lít.
Nhiều loại tủ lạnh hiện nay có khả năng diệt khuẩn, khử mùi bằng các công nghệ hỗ trợ như ion bạc, ron cửa có màng chống khuẩn, có túi hoặc màng vitamin cho ngăn đựng rau quả để giữ rau tươi xanh hơn. Loại tủ side by side được phân loại theo loại thông thường và loại có ngăn đựng nước và làm đá trực tiếp trên thành cửa. Có hãng sẽ thiết kế tủ side by side đến bốn cửa để mỗi ngăn đựng một loại thực phẩm riêng biệt tránh lẫn mùi vào nhau.
Các tủ lạnh thế hệ mới có những thay đổi lớn so với trước đây như có lớp bảo vệ phía sau lưng máy để chống chuột chui vào cắn phá, có hệ thống tự làm nước đá gián tiếp và trực tiếp. Các loại tủ lạnh đời mới có thiết kế loại bỏ bản lề cửa nên thẩm mỹ hơn.
Vệ sinh tủ lạnh
Tủ lạnh sử dụng cất giữ nhiều loại thực phẩm rất dễ phát sính mùi hôi nên có thể sử dụng các loại sáp khử mùi cho tủ lạnh, trà xanh đặt trong tủ lạnh để khử bớt mùi hôi. Lưu ý do tủ lạnh là một hệ thống trao đổi khí một chiều với hai ống hút bên trong gồm: một ống hút vào không khí và một ống thải ra khí lạnh, do vậy để khử mùi hiệu quả nên đặt các chất khử mùi gần vị trí ống hút không khí để quá trình khử mùi tốt hơn. Vệ sinh tủ lạnh nên chú trọng ron cửa tủ lạnh vì vi khuẩn rất dễ bám vào đây. Ron cửa lâu ngày sử dụng không vệ sinh lau chùi sẽ khiến ron bị chai cứng, mất khả năng hít kín làm thoát khí lạnh ra ngoài dễ hư hỏng tủ lạnh.
Đối với tủ lạnh đời cũ nên đặt cách tường 10cm giúp hệ thống thoát nhiệt phía sau tủ hoạt động tốt hơn, không nên đặt sát tường gây hiện tượng quá nhiệt khi tủ lạnh hoạt động.
CHỌN BẾP GAS
Bếp gas sản xuất trong nước có Rinnai, Namilux, Sakura, Paloma… bếp ngoại nhập có Faber, Fagor, Malloca… giá của bếp gas dao động từ 500 ngàn – 3 triệu đồng/cái cho loại sản xuất trong nước và từ 2,5 – 7 triệu đồng/cái bếp nhập.
Với loại thường bếp đôi thì có nhiều kiểu thiết như dạng âm kính đặt chung với mặt đá của bếp, loại đặt trên bàn, chất liệu Inox. Giá cả của bếp gas khác nhau rất nhiều tùy thuộc chất liệu và đầu phun lửa. Chất liệu Inox, nhóm rẻ hơn loại mặt kính.
Ngoài ra đầu phun lửa gas cũng tạo sự khác biệt lớn cho sản phẩm. Đầu đốt với loại thân điếu được đúc bằng gang, đầu đốt bằng đồng hoặc nhôm và loại thân điếu được dập bằng tôn mạ nhôm, đầu đốt bằng đồng hoặc nhôm đều sử dụng tốt cho mục đích gia đình, tuy nhiên lại thân điếu dập bằng tôn mạ nhôm là công nghệ mới nên có công suất mạnh hơn và ít hao gas hơn là loại đúc bằng gang. Thường các sản phẩm ngoại nhập đều sử dụng loại điều đồng bằng tôn mạ nhôm.
Bên cạnh đó là khác biệt về công nghệ đán lửa cho bếp gas. Loại đánh lửa bằng magneto, kiểu đánh lửa truyền thống cho bếp gas: thông dụng và rẻ tiền. Còn loại đánh lửa bằng pin, sử dụng pin tiểu bên dưới có chức năng nẹt lửa như bugi động cơ thì thuận tiện hơn nhưng đắt tiền.
Bảo quản và vệ sinh bếp gas
Việc bảo quản và sử dụng bếp gas đơn giản, chỉ cần người tiêu dùng sử dụng theo theo đúng hướng dẫn sử dụng như tắt mở nhẹ nhàng, không mạnh tay với núm vặn của bếp gas vì có thể làm hư đánh lửa của bếp. Không nên vệ sinh bếp bằng cách nhúng rửa trong nước mà lau chùi bếp bằng giẻ ướt và tránh để thức ăn tràn ra dính vào bếp dễ gây nên gỉ sét.
Khi bếp gas không đánh lửa được thì nên làm vệ sinh lại kim sứ đánh lửa và chỉnh lại khoảng cách. Nếu không được thì phải nhờ đến nhân viên bảo hành giúp đỡ chỉnh sửa.
CHỌN CHẬU RỬA CHO BẾP
Chậu rửa hiện chủ yếu làm bằng chất liệu Inox, hàng Việt Nam có Toàn Mỹ, Sơn Hà… hàng nhập khẩu có của Ý, Mỹ, Nhật với các thương hiệu Teka, Malloca, Fagor…
Chậu rửa có bốn loại: chậu rửa đơn một bồn rửa, đôi hai bồn rửa và có hoặc không cánh bên hông (nơi đặt úp chén đĩa sau khi rửa). Ngoài ra chậu rửa có thêm một số tiện ích đi kèm theo như bình máng dao, bình đựng xà phòng, khay đựng rác… Chậu rửa do Việt Nam sản xuất và ngoại nhập có giá cả chênh lệch rất lớn, bình quân chậu của Việt Nam có mức từ 400.000 – 1 triệu đồng/cái, còn chậu rửa ngoại nhập từ 7 – 15 triệu đồng/cái. Khác biệt là do chất liệu Inox dày hơn, thiết kế thẩm mỹ hơn, khả năng chống trầy và chịu được các loại nước nhiễm phèn, mặn cao.
Thị trường cũng có những loại chậu rửa bằng chất liệu men sứ hoặc nhựa composite tổng hợp nhưng Inox vẫn chiếm đa số vì đây là chất liệu có tính vệ sinh và an toàn cao trong khi sử dụng.
Để lựa chọn một chậu rửa phù hợp người tiêu dùng cần phải xác định được không gian đặt ở bếp và dùng loại chậu đơn hoặc đôi, loại có cánh hoặc không có cánh để úp chén, đĩa sau khi rửa. Phụ kiện đi kèm chậu rửa như các ống thoát nước, lọc cặn, vòi nước có độ cao vừa phải, dễ tắt mở, nắp cao su bịt thoát nước có thể thay thế được hay không cũng là những lưu tâm khi chọn lựa.
Bảo quản và vệ sinh chậu rửa
Hạn chế việc tiếp xúc với các hóa chất, acid, nước nhiễm phèn, nhiễm mặn. Khi lựa chọn một bếp gas cho gia đình, nên quan tâm tới các chi tiết trên, chẳng hạn các loại đầu phun lửa thế hệ mới sẽ giúp tiết kiệm được một phần gas khi sử dụng. Hệ thống đánh lửa bằng pin cũng hiệu quả hơn so với kiểu truyền thống.
SẮM DAO LÀM BẾP
Bộ dao làm bếp ngày nay không chỉ dừng lại ở ý nghĩa vật dụng quan trọng cho người nội trợ, mà nó thể hiện đẳng cấp, sự sành điệu và góp phần tạo nên vẻ khang trang, gọn gàng cho thế giới “nội tướng”.
Bộ dao cơ bản
Fissler, Zwilling đưa ra trọn bộ dao gồm 7 – 8 món như dao gọt củ quả (1 – 2 dao) – dao cắt cà chua – dao thái thịt – dao đa năng làm bếp (còn gọi là dao Chef’s) – dao cắt bánh mì – mài dao và bục để cầm dao. Trong đó, dao cắt bánh mì và dao cắt cà chua có vỏ răng cưa, dao gọt củ quả quá nhỏ và gọn, dao chặt xương nặng và có bản lớn, dao thái thịt dài – bản mỏng – sắc. Bộ dao theo kiểu Thái Lan gọn hơn, chỉ có năm món (không có dao cắt bánh mì hay cắt cà chua).
Thực tế, bộ dao cơ bản dùng hằng ngày chỉ cần bốn món: dao nặng, to để chặt xương, dao mỏng dài để thái thịt hay cắt rau củ quả, dao nhỏ để gọt trái cây, và dao bào để gọt vỏ. Đi kèm với bộ dao này, nên có thêm chiếc kéo làm bếp đa năng có đầu nhọn, xẻ rãnh trên lưỡi kéo và phần tay cầm có khoét lỡm hình răng cưa dùng để làm cá, làm mực, cắt đầu tôm, khui nắp chai, kẹp càng cua… Hiện nay trên thị trường đã có loại kéo tám chức năng, có thể dùng cắt, bào, mở nắp chai, mở hộp, khui bia, làm vảy cá, bấm vở cứng tôm cua. Kinh nghiệm cho thấy tiện nhất là dùng loại kéo ba chức năng, nhỏ và gọn, có độ bén sắc tốt, chỉ dùng làm cá tôm, cắt và khui bia.
Dụng cụ không thể thiếu khi làm bếp thường xuyên là đồ dùng mài dao. Tùy theo thói quen và ý thích, có thể dùng loại thanh mài dao hay dụng cụ mài dao dạng đế cắm – chỉ cần quét lưỡi dao qua khe mài là xong.
Dao đa năng
Đây là những kiểu kết hợp nhiều lưỡi cắt trong một dụng cụ để giúp người nội trợ có thể làm nhiều việc hơn, hoặc giúp cho những bà nội trợ không học qua các lớp chuyên môn cũng có thể gọt tỉa rau củ trái cây, thực phẩm đã chế biến thành những hình dáng đẹp mắt trình bày trên bàn một cách dễ dàng.
MÁY RỬA CHÉN
Sản phẩm máy rửa chén có vẻ như chưa quen thuộc lắm với các bà nội trợ ở Việt Nam. Tuy vậy, trên thị trường cũng đã có khá nhiều sản phẩm để người mua lựa chọn.
Chọn mua
Các nhãn hiệu máy rửa chén thông dụng trên thị trường hiện có: Atmor, Electrolux, Brandt, Alba, Fagor. Giá máy trung binh trên dưới 10 triệu đồng/máy.
Phần lớn máy dùng để rửa khoảng 12 bộ đồ ăn (bộ đồ ăn kiểu tây). Có một số máy nhỏ chỉ dùng khoảng bốn bộ.
Khi rửa chén, dĩa, muỗng, nĩa được xếp riêng theo từng loại trên các giá bên trong máy. Khi máy hoạt động, những tia nước nóng có hòa lẫn chất tẩy rửa sẽ phun mạnh vào các bề mặt chén, dĩa… để làm sạch chúng.
Nhiệt độ được cài đặt theo từng chế độ rửa hoặc người sử dụng tự chọn. Có nhiều chế độ rửa khác nhau: rửa nhanh khoảng 30 phút, nhiệt độ 55oC, chế độ này dùng rửa đồ thủy tinh dễ vỡ, sành sứ, pha lê cao cấp; rửa thường, thời gian khoảng 70 phút, nhiệt độ 62oC dùng rửa dồ dùng nhiều dầu mỡ. Một số máy còn chia ra thêm các chế độ rửa khác nhau như rửa tráng, rửa thủy tinh, súc rửa, rửa kinh tế khi số lượng chén dĩa ít. Dùng máy rửa chén phải dùng loại chất tẩy rửa riêng. Rửa bằng máy rửa chén tốn trung bình từ 6 – 20 lít nước tùy chế độ cho mỗi lần rửa, tiết kiệt nước rất nhiều so với rửa bằng tay. Chén dĩa rách rửa bằng máy ít bị mẻ cạnh, vỡ so với rửa bằng tay.
Máy rửa chén
Khuyết điểm của máy rửa chén khi dùng cho nhu cầu ở Việt Nam là không có chỗ riêng để xếp các loại đồ dùng của người Việt như đũa, chén chẳng hạn.
Chọn dụng cụ làm bếp
Với hàng trăm loại muỗng, xẻng chiên, nĩa ,gắp… đang bày bán trong các cửa hàng và siêu thị, việc chọn lựa và kết hợp chúng thành bộ cần sự quan sát tinh tế sao cho dụng cụ nhà bếp trở thành vật trang trí thể hiện tài khéo của người chủ gian bếp hiện đại.
CHỌN DỤNG CỤ LÀM BẾP
Chọn
Chọn cỡ cho dụng cụ bếp không phụ thuộc vào không gian bếp lớn hay nhỏ, mà quan trọng nhất là tùy theo số lượng người trong gia đình, tùy theo bộ nồi kích cỡ thế nào để chọn dụng cụ có chiều dài và độ lớn tương xứng. Chia một cách tương đối theo cỡ nhỏ, trung và vừa, thì các loại dụng cụ cỡ nhỏ chỉ thích hợp cho người độc thân hoặc gia đình 2 – 3 người, từ bốn người trở lên phải dùng dụng cụ cỡ trung thì các thao tác nấu nướng mới thuận tay, từ 7 – 8 người trở lên mới nên dùng các dụng cụ làm bếp cỡ lớn. Ngoài ra, những dụng cụ được coi là dành cho bếp ăn chuyên nghiệp, đầu bếp nhà hàng chỉ thích hợp cho các gia đình mua dùng khi nhà có tiệc họp mặt đông người.
Cần lưu ý ở đây là đường kính của chiếc muỗng, độ lớn của xẻng chiên… có thể lớn hay nhỏ, nhưng chiều dài tay cầm tối thiểu phải thích hợp với độ lớn của bàn tay người làm bếp và chiều dài cán cầm cũng phải đủ để tránh nóng. Một vài sản phẩm làm bếp có thiết kế nhỏ, gọn, khá xinh nhưng khi dùng chiên xào hay nấu nướng thì dễ gây nóng, phỏng tay vì cán cầm quá ngắn.
Cần bao nhiêu dụng cụ
Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào thói quen nấu nướng, gu ẩm thực, các loại thức ăn mà mỗi gia đình thường dùng. Chẳng hạn, những gia đình quen ăn món theo kiểu Tây cần dùng dụng cụ xiên để giữ thịt trên dĩa trước khi cắt, cần muỗng múc mì Spaghetti, cần dụng cụ cắt tròn để chia bánh pizza, trứng hay thịt nguội, dụng cụ quét đầu để nướng lò…
Những gia đình chuộng ăn món chiên xào kiểu Singapore hay kiểu Hoa thường dùng loại xẻng chiên đục lỗ, muỗng có lưới rây để giảm bớt dầu cho món chiên, muỗng phễu, muỗng đục lỗ trụng mì, nui, hủ tiếu… Thậm chí, có những nhà, cùng một loại dụng cụ sắm hai kích cỡ khác nhau: loại bình thường dùng hằng ngày, cỡ lớn dùng khi có đông khách. Bên cạnh đó, một số dụng cụ khác ít khi dùng, nhưng khá tiện dụng như rây dùng lọc nước cốt dừa, lọc thịt cua nấu canh, lọc hạt trái cây xay… Muỗng có lưới rây để lọc trà, lọc cặn trong dầu sau khi chiên; muỗng hình hoa dùng để múc mì, múc trứng luộc, múc khoai tây luộc…
Còn một số loại dụng cụ mà mỗi năm gia đình có thể chỉ dùng vài lần, hoặc chỉ dùng khi có khách nhưng vẫn cần sắm như muỗng múc kem, muỗng xoay ruột táo, muỗng múc dưa, kẹo gắp đá, muỗng chia thức ăn…
Chất liệu thế nào mới tốt?
Phổ biến nhất trên thị trường là các dụng cụ bằng Inox. Người tiêu dùng chuộng nó vì sáng bóng, dễ lau chùi, tốt hơn nhôm. Tuy cùng làm từ Inox, nhưng giá cả giữa các sản phẩm cùng loại, cùng công dụng có thể chênh nhau từ 10 – 15 lần tùy theo chất liệuInox, chất liệu bọc cán cầm và thương hiệu nhà sản xuất. Những sản phẩm Inox tay cầm bọc nhựa cách nhiệt, bọc nhựa phủ sơn cách nhiệt thường có giá cao hơn sản phẩm bọc gỗ hoặc chỉ phết lớp sơn màu.
Những dụng cụ Inox chỉ thích hợp khi nếu trong nhà cũng nấu nướng bằng các bộ nồi Inox. Nếu bộ nồi bằng men, bằng thủy tinh chịu nhiệt, bằng gốm sứ nhiệt hoặc tráng phủ chất chống dính, thì dụng cụ làm bếp cần dùng loại nhựa chịu nhiệt, bằng gốm sứ hoặc bằng gỗ. Thông dụng, dễ tìm mua và phù hợp với gian bếp là chọn các dụng cụ bằng nhựa chịu nhiệt cùng nhãn hiệu với bộ nồi nấu. Dụng cụ làm bếp bằng các chất liệu này có rất ít món, chủ yếu là xẻng chiên xào, muỗng lòng sâu, muỗng bẹt, muỗng đục lỗ… Những dụng cụ làm bếp mang tính chuyên biệt hơn đa phần đều bằng Inox.
Sử dụng và bảo quản
Tất cả các dụng cụ làm bếp dù bằng Inox, gốm sứ hay gỗ, nhựa cách nhiệt đều hạn chế chùi rửa mạnh tay bằng đồ chùi xoong kim loại. Việc tróc lớp tráng phủ, làm trầy bề mặt sản phẩm không chỉ làm đồ dùng xấu đi, mà còn giúp thức ăn, gia vị dễ bám vào dụng cụ nấu nướng, có thể gây dính bết.
Chỉ dùng dụng cụ bằng nhựa để múc, đảo thức ăn, không chiên theo kiểu ngâm luôn muỗng, xẻng vào chảo dầu mỡ đang sôi có thể làm biến dạng dụng cụ. Sau khi sử dụng, rửa sạch và lau khô, tùy theo thiết kế bếp có thể cất gọn vào kệ hoặc treo trên giàn.
Dụng cụ bằng nhựa, bằng gỗ nếu đã bị tưa, bị bong tróc nên thay cái mới, vì nếu dùng tiếp các mảng tróc này có thể bị bông thêm rơi vào thức ăn.
Trích nguồn: Theo Kiến trúc và Đời sống
Cùng Kiến trúc Bộ Ba tạo tác những đường nét sinh động cho cuộc sống của bạn.
Mọi chi tiết cần được tư vấn về thiết kế và xây dựng, xin liên hệ:
Công ty Cổ phần Thiết kế Xây dựng Bộ Ba
Add: Số 5 Trương Công Định – P.14 – Q.Tân Bình – Tp.HCM
Hotline: 0911.64.11.77
Website: http://kientrucboba.com/
Email: info.congtyboba@gmail.com
NỘI DUNG LIÊN QUAN