Chống thấm khi xây nhà: nguyên nhân và hướng giải quyết triệt để

Chống thấm khi xây nhà – chuyện nói hoài không hết!

So với chống nóng, chống thấm là chuyện mới hơn, đặc biệt được quan tâm và đề cập nhiều trong những năm gần đây, khi mà chất lượng công trình càng đòi hỏi cao cùng sự phát triển mạnh mẽ của vật liệu xây dựng.

Chong Tham Khi Xay Nha
Chống thấm khi xây nhà: nguyên nhân và hướng giải quyết triệt để

Thấm bắt nguồn từ… nước

Chong Tham Khi Xay Nha 2

Tất nhiên là như thế rồi, có nước thì mới có thấm. Nước thì ở khắp mọi nơi: trong nhà, ngoài nhà, dưới đất, trên trời… Nước trong hệ thống cấp thoát thì không bỏ được, nước của thiên nhiên thì không kiểm soát được. Nói đơn giản hơn, nước là phần không thể tách rời trong công trình xây dựng. Chỗ nào có nước là có nguy cơ thấm. Tuy nhiên khác với chống nóng, dễ dàng nhận biết – thì việc chống thấm khó khăn hơn nhiều và nặng nề về giải pháp kỹ thuật hơn. Như ở số báo trước chúng tôi đề cập, việc chống nóng từ xưa đã được ông cha ta chú ý xử lý bằng rất nhiều giải pháp; nhưng chống thấm thì hầu như không có – do quy mô công trình nhỏ, và việc sinh hoạt liên quan đến nước hầu như tách khỏi ngôi nhà. Cả nguồn nước cấp và thoát đều mang tính chất tự nhiên. Vấn đề thấm và chống thấm xuất hiện muộn hơn do khi xây dựng phát triển, đặc thù kiến trúc khác cùng những phương thức sinh hoạt mới có ảnh hưởng tới kiến trúc công trình. Đó là sự kéo gần những không gian sinh hoạt liên quan tới nước vào không gian chính, hệ thống cấp thoát nước không còn “thiên nhiên” nữa, quy mô công trình mở cả về chiều rộng, chiều cao và chiều sâu, nhiều khu vực chức năng liên quan tới nước xuất hiện…

Tại sao lại thấm?

Chong Tham Khi Xay Nha 3

Về lý thuyết, các loại vật liệu thông thường đều có những mao quản (khoảng cách giữa các hạt) có đường kính khoảng từ 20 – 40 micromet (1 micromet = 1/1.000 milimet). Khi bề mặt vật liệu này tiếp xúc với nước, nước sẽ xâm nhập qua các khe hở ở bề mặt, thẩm thấu theo các mao quản bên trong (mao dẫn) gây ra hiện tượng thấm. Việt Nam là đất nước ở vùng nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều, nhiệt độ chênh lệch lớn, có những vùng khí hậu tương đối khắc nghiệt. Tất cả các điều kiện khí hậu và thời tiết không thuận lợi gây nên những hiện tượng co ngót, giãn nở, làm nứt và phá hủy bề mặt cũng như cấu trúc vật liệu, tạo điều kiện cho nước thâm nhập.

Những phần nào của công trình dễ bị thấm?

Chong Tham Khi Xay Nha 4

Đó là những phần công trình chịu tác động của tự nhiên (nước mưa, nước ngầm), và phần công trình liên quan tới trữ, sử dụng nước. Về mặt kiến trúc có thể phân loại như sau:

  • Các phần bị thấm bởi nước ngầm: tầng hầm chìm trong đất, móng, chân tường…
  • Các phần bị thấm bởi nước mưa: tường, mái, sàn ban công, lô gia…
  • Các phần bị thấm bởi nước sử dụng (cả cấp và thoát): sàn, tường, hộp kỹ thuật… các khu vệ sinh và khu vực liên quan.
  • Các khu vực liên quan tới bể chứa: bể phốt, bể nước (ngầm, nổi), bể bơi…

Các vị trí xung yếu cụ thể

Chong Tham Khi Xay Nha 5

Ở trên đã nói, nước thấm qua các kẽ hở trên bề mặt và cấu trúc vật liệu, nhưng điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào đặc tính vật liệu mà chúng ta sử dụng. Ở đây chúng tôi muốn đề cập tới một vấn đề khác – cụ thể hơn, thường xảy ra trong quá trình xây dựng và sử dụng công trình: đó là các vị trí xung yếu, hay xảy ra vết nứt, khe, lỗ… tạo điều kiện thẩm thấu dẫn đến hiện tượng thấm. Đó là:

  • Vị trí mạch ngừng khi đổ bê tông
  • Vị trí tiếp giáp giữa khối xây (tường gạch) và kết cấu bê tông
  • Vị trí tiếp giáp giữa khối xây trước – sau, khối xây cũ – mới (trường hợp cải tạo)
  • Vị trí tiếp giáp giữa hai khối công trình xây sát nhau
  • Vị trí tiếp giáp trên bề mặt có sử dụng các loại vật liệu khác nhau
  • Chân các kết cấu, thiết bị chôn hay lắp ráp vào tường (hoa sắt, nan chắn nắng, dây chống sét…)
  • Chân các vị trí liên kết định vị tấm mái nhẹ (bu long, vít)
  • Miệng phễu thu thoát nước (ở sàn vệ sinh, sàn ban công, lô gia, sân thượng, mái)
  • Khu vực gần sê nô, máng tràn
  • Vị trí đầu nối các ống cấp thoát nước

Hiện tượng thấm ảnh hưởng lớn tới chất lượng công trình, tiêu hao nguồn nước (rò rỉ bể chứa), làm mất vệ sinh, ảnh hưởng thẩm mỹ… gây tâm lý rất khó chịu cho người sử dụng. Chống thấm bao giờ cũng là vấn đề phức tạp và nan giải. Tuy nhiên, nếu nắm rõ được các nguyên lý và vị trí dễ bị thấm, có giải pháp kiến trúc và quy trình kỹ thuật hợp lý, thì chống thấm không quá khó. Ở phần này chúng tôi không đi sâu vào các giải pháp kỹ thuật hóa – vật liệu (xuất hiện ngày càng nhiều bởi các công ty sản xuất vật liệu chống thấm); mà chỉ đề cập những giải pháp mang tính nguyên lý.

Giải pháp kiến trúc hay chuyện phòng hơn chữa:

Chong Tham Khi Xay Nha 6

Không bao giờ để hiện tượng thấm xảy ra rồi mới đi tìm nguyên nhân và giải pháp. “Phòng” giúp chúng ta chủ động hơn bằng các giải pháp đi trước. Giải pháp kiến trúc, sử dụng vật liệu hợp lý là những yếu tố quan trọng hàng đầu. Việc chống thấm về cơ bản là ngăn nguồn nước thẩm thấu – cũng có nghĩa là hạn chế các vết nứt trên bề mặt. Do đó ở một vài giải pháp chống thấm có liên quan đến chống nóng.

  • Nghiên cứu kỹ địa chất công trình, các yếu tố thủy văn liên quan để có giải pháp chống thấm tốt cho móng, tầng hầm, chân tường.
  • Thiết kế mái phù hợp kiến trúc và khí hậu địa phương, đảm bảo hướng phân thủy và độ dốc thoát nước mưa, tránh tạo ra những khu vực dễ bị đọng nước. Với công trình mái bằng, phải đảm bảo độ dốc tối thiểu là 3%.
  • Tổ chức mặt bằng, phân khu chức năng liên quan tới nước (vệ sinh) khoa học để tránh hệ thống cấp – thoát nước đi vòng, đi xa dễ gây hiện tượng thấm và khó khăn khi sửa chữa.
  • Đánh dốc đủ (2 – 3%) và đúng hướng cho các sàn vệ sinh, các sàn chịu nước như sân thượng, ban công, lô gia. Thiết kế vị trí ga thu hợp lý.
  • Bảo vệ kết cấu mái cố định (mái bê tông), tránh tác động trực tiếp của mưa nắng bằng các giải pháp như: lợp/ dán ngói (với mái dốc), kê tấm đan, phủ mái tôn, tấm bao che nhẹ (với mái bằng). Việc được che phủ này giúp mái bê tông tránh được sự co ngót, dễ xuất hiện vết nứt. Thiết kế vườn, mặt nước trên mái hay sân thượng là một giải pháp tốt bảo vệ cho kết cấu mái phía dưới nhưng cũng là con dao hai lưỡi nếu không xử lý tốt.
  • Bảo vệ kết cấu bao che (tường) – đặc biệt là tường hướng đông – tây chịu nắng nhiều dễ bị nứt bằng cách dùng hệ thống kết cấu chắn nắng, cây xanh…, sử dụng vật liệu bề mặt hợp lý. Không nên xây tường mỏng dễ bị nứt, sử dụng đúng loại gạch cho các khối xây.
  • Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật khi thi công: sử dụng đúng mác bê tông., mác vữa; dỡ cốp pha khi bê tông đủ tuổi (tránh gây võng, nứt, biến dạng kết cấu); ngâm nước xi măng theo quy phạm với sàn bê tông. Những nơi sử dụng phụ gia chống thấm phải thực hiện theo quy cách và tỷ lệ của nhà sản xuất.
  • Lưu ý và xử lý triệt để các vị trí xung yếu.

Chống thấm và các giải pháp hóa – vật liệu

Chong Tham Khi Xay Nha 7

Khi xảy ra hiện tượng thấm có thể chưa nhận biết ngay, và khi nhận biết cũng không dễ dàng tìm được nguyên nhân và vị trí cụ thể xảy ra vấn đề. Nước mao dẫn trong lòng vật liệu và các kết cấu, có thể đi rất xa mới xuất hiện trên bề mặt. Nhận biết đúng nguyên nhân và vị trí là yếu tố quan trọng hàng đầu, sau đó mới là chọn giải pháp thích hợp. Tuy nhiên việc chống thấm về cơ bản phải thực hiện ngay từ khi thi công công trình, tại các vị trí cần chống thấm.

Một điều cần lưu ý là phần lớn nguyên nhân thấm xuất phát từ sự rò rỉ đường ống cấp thoát – đặc biệt là thấm trong công trình. Vì vậy việc xử lý tận gốc nguyên nhân chính là vấn đề chứ không phải xử lý cho các khu vực tường bị thấm. Trong trường hợp chắc chắn không phải do hở đường ống (thấm sàn vệ sinh, thấm từ bể, thấm tường…) thì tùy từng trường hợp mà sử dụng các phương pháp và chất chống thấm phù hợp.

Các loại phụ gia, chất chống thấm hiện nay có rất nhiều, nhưng có thể chia cơ bản thành hai nhóm chính sau đây:

  • Chất chống thấm vô cơ: thường có nguồn gốc từ silicat. Nguyên lý hoạt động là dung dịch chống thấm sẽ thấm sâu, tương tác với khối bê tông, trám vào các lỗ rỗng, mao mạch trong khối bê tông để ngăn nước.
  • Chất chống thấm hữu cơ: thường có nguồn gốc từ bitum và polymer. Nguyên lý hoạt động là dung dịch được phủ lên bề mặt, khi khô tạo thành lớp màng trên bề mặt cần chống thấm. Lớp màng này cho phép co giãn ở mức độ nhất định. Tuy nhiên màng chống thấm này sẽ bị lão hóa theo thời gian.

Chủ động và không quá phụ thuộc vào công nghệ

Chong Tham Khi Xay Nha 8

Có lần, người viết bài này được một khách hàng gọi điện phàn nàn về vấn đề thấm mái. Tất nhiên tác giả phải qua công trình và cùng chủ nhà lên mái xem. Trời nắng và khô, nhưng cả phần mái bằng là… một cái áo. Lý do đơn giản thôi, phễu thu của phần mái này bị rác, lá rụng làm tắc, và nước không thoát được. Mái nhà, không phải lòng cái bể nước nên dù chống thấm từ khi xây nhưng bị ngâm mấy ngày thế này, rủi ro vẫn xảy ra. Rõ ràng, việc luôn kiểm tra, duy tu bảo dưỡng công trình là một điều rất quan trọng. Nhiều hậu quả xuất phát từ việc sử dụng, vận hành công trình không đúng cách hay sự thờ ơ của chính chúng ta. Có thể sự việc ban đầu nếu phát hiện sớm, xử lý vô cùng đơn giản; nhưng nếu để lâu lại thành vấn đề phức tạp. Việc chống thấm cũng vậy, cần phải chủ động. Chống thấm phải tiến hành từ đầu trong quá trình thiết kế và thi công. Trong quá trình sử dụng công trình cũng luôn phải chú ý. Sử dụng nước cấp đúng cách, tạo mọi điều kiện tốt nhất để thoát nước, để bảo vệ bề mặt kết cấu tránh bị phá hoại… là những việc luôn phải kiểm soát và thực hiện, chứ không phải chờ đến khi bị thấm mới đi tìm các loại hóa chất và phụ gia chống thấm. Thuốc dẫu tốt nhưng không đúng bệnh hoặc quá muộn đều không có nhiều tác dụng. Đó là điều mà thực tế đã minh chứng.

Chống thấm – đúng là vấn đề nan giải. Nhưng nó cũng không quá khó nếu ta biết phối hợp đồng bộ các giải pháp và thực hiện đúng các nguyên tắc, quy trình kỹ thuật. Và luôn nhớ rằng: phải luôn luôn chủ động chống thấm; các loại vật liệu chống thấm chỉ mang tính hỗ trợ chứ không phải phép màu.

Công ty Cổ phần Thiết kế Xây dựng Bộ Ba với đội ngũ thi công chuyên nghiệp được đào tạo chuyên môn, áp dụng những công nghệ tiên tiến vào thi công sẽ giải quyết triệt để vấn đề chống thấm.

Mọi chi tiết mời liên hệ:

Công ty Cổ phần Thiết kế Xây dựng Bộ Ba
Địa chỉ: Số 5 Trương Công Định – P.14 – Q.Tân Bình – Tp.HCM 
Hotline: 0911.64.11.77
Website: http://kientrucboba.com/
Email: info.congtyboba@gmail.com

Theo Kiến trúc và Đời sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *