Để có một ngôi nhà hợp phong thủy, hài hòa và tiện nghi – Ngôi nhà dù đã hoàn tất về mặt xây dựng nhưng để có thể dọn vào ở được sao cho thật thoải mái và hài hòa về nhiều mặt thì gia chủ vẫn cần lưu ý thêm những phần thuộc về “hoàn thiện mềm”. Đó là sự chọn lựa, sắp xếp, là kiểu dáng, chất liệu của các vật dụng, trang thiết bị trong các không gian chức năng.
Những sản phẩm đem lại tiện nghi cho cuộc sống gia đình tuy không bất biến, cố định nhưng có ảnh hưởng không nhỏ đến vẻ đẹp và sự an lành của nội thất nhà ở.
Theo Dịch lý phương Đông, yếu tố biến dịch quyết định các mối quan hệ trong nơi cư ngụ. Ngoài phần “cứng” là kết cấu xây dựng, không gian kiến trúc thì yếu tố “mềm” tạo nên nội khí trong nhà nằm ở hệ thống trang thiết bị, tiện nghi sử dụng. Một ngôi nhà với các thiết bị đang hoạt động thì nội khí sẽ khác với ngôi nhà ở trạng thái tĩnh. Vì vậy hai ngôi nhà có kích thước, mẫu mã, hướng nhà, … tương tự nhau nhưng sự thoải mái hay khó chịu mà mỗi nhà mang lại cho người sống bên trong cũng như sự tốt xấu về phong thủy của hai ngôi nhà đó tùy thuộc vào quá trình tương tác của con người với đồ đạc, thiết bị trong nhà.
Ngôi nhà hiện đại có một sự khác biệt về cơ bản so với nếp nhà truyền thống, đó là tính Kim hiện diện nhiều hơn tính Mộc, do hệ thống trang thiết bị phục vụ sinh hoạt gia đình như máy điều hòa, thiết bị bếp, hệ thống giải trí tại gia, máy móc trong phòng làm việc, thiết bị phòng tắm, … Chính vì thế, nhằm giúp cân bằng âm dương (càng nhiều thiết bị, tính dương càng tăng) và bớt lệch ngũ hành, phong thủy hiện đại đưa ra vài lưu ý sau:
Đèn trang trí: Khác với đèn chiếu sáng cơ bản, đèn trang trí (đèn chùm, đèn rọi tranh, đèn chiếu điểm, đèn đứng, đèn bàn, đèn ngủ, …) chỉ nên mua sau khi đã hoàn thành xây dựng để có thời gian chọn lựa, cân nhắc kỹ. Nếu nhà bạn không phải dạng lâu dài hay cung điện, cần tránh những loại đèn quá cầu kỳ, nhiều góc cạnh hay mũi nhọn, vừa dễ bám bụi vừa là điểm xung – sát không tốt. Một căn phòng đầy đủ ánh sáng, không ngọn đèn nào chói mắt khó chịu nghĩa là ánh sáng đã được kiểm soát, mức độ vừa phải. Ánh sáng theo các sắc ngũ hành cũng cần tương sinh hài hòa với không gian và gia chủ, ví dụ phòng ngủ nên dùng ánh sáng vàng nhẹ (Thổ) có thể điểm thêm ánh xanh (Thủy), phòng làm việc nên lấy ánh sáng trắng (Kim) làm chủ đạo.
Tủ đồ và gương soi: Những tủ chứa đồ đạc, quần áo, … là một dạng kho nên cần bố trí tại những ngóc ngách khuất, ít va chạm trong sinh hoạt hằng ngày. Những tủ có gắn gương (phản hồi xung – sát) cần tránh để tấm gương chiếu thẳng vào đầu giường ngủ hay bàn làm việc, tốt hơn cả là nên gắn gương ở mặt trong cửa tủ. Những tủ kệ đặt tivi, dàn âm thanh, máy tính, … vốn phát ra từ trường mạnh không nên đặt trong phòng ngủ. Nếu có, cần chọn kiểu đơn giản, giảm các góc cạnh và chi tiết thừa để không gây rối mắt. Khi đặt tại các nơi giao tiếp, những kệ tủ này chính là vật ngăn chia không gian, che bớt tầm nhìn từ ngoài vào.
Hệ thóng rèm cửa, tấm trải sàn (thảm, chiếu): Rèm cửa giúp giảm bớt ánh sáng chói lọi và các tia nhìn soi mói từ bên ngoài, đồng thời có tác thụ cảm ngược lại đối với người trong phòng. Vì thế chọn rèm cần căn cứ theo bối cảnh căn phòng cụ thể (màu sắc, tỷ lệ, tương quan đồ vật, …) chứ không đơn thuần chọn mẫu vải đẹp. Chọn màu và hoa văn của rèm, thảm nên tham khảo ý kiến các thành viên trong gia đình, thậm chí cần thay đổi rèm, thảm theo sinh khắc của mùa trong năm để tốt hơn về phong thủy. Ví dụ mùa xuân (thuộc Mộc) thì rèm thảm cần có họa tiết theo hành Thủy và Mộc, mùa hè (thuộc Hỏa) nên theo hành Mộc và Thổ, mùa thu (Kim) theo hành Thổ và Kim, còn mùa đông (thuộc Thủy) thì theo hành Thổ và Hỏa để bổ sung ngũ hành, giúp làm mát hay ấm nhà hơn tùy theo tiết khí.
Tranh ảnh: Ngoài ý nghĩa trang trí, thẩm mỹ, tranh ảnh còn góp phần kích hoạt luồng khí, nâng cao sức sống và tạo tâm lý thoải mái, thư giãn. Người phương Đông xưa nay chuộng treo các loại tranh phong cảnh, thủy mặc như một giải pháp đưa thiên nhiên vào nội thất. Tại các vị trí không thể trổ cửa, một bức tranh thiên nhiên sẽ đóng vai trò khung cửa giả nhằm bổ sung cảnh trí, tăng thêm sự linh hoạt của nội khí. Những bức tranh hay ảnh có nội dung buồn bã hoặc màu sắc đen tối ảm đạm chỉ nên nằm trong sưu tập, hạn chế treo tại các không gian sinh hoạt bởi sẽ gây tác dụng xấu lên tâm lý người xem.
Vạt kỷ niệm, vật trang trí: Mỗi gia đình luôn có khá nhiều và thường tăng dần theo thời gian các loại vật dụng kỷ niệm, do vật cần chọn lọc và sắp xếp chúng sao cho ngôi nhà không trở thành một kho chứa đồ linh tinh! Chất liệu, màu sắc của vật trang trí cũng tuân theo ngũ hành, như bình gốm thuộc Thổ và Kim, gỗ mỹ nghệ hay mây tre thuộc Mộc, vật dụng màu đỏ, cam và có hình tam giác nhọn thuộc Hỏa, còn màu xanh, đen và vật có gắn gương, hình dáng uốn lượng thuộc Thủy. Tùy theo không gian và mệnh chủ mà chọn lựa vật dụng cho tương hợp.
Đồ gỗ: Ngôi nhà truyền thống châu Á, trong đó có không gian Việt luôn xem trọng yếu tố hòa hợp thiên nhiên và hướng về hành Mộc, hành đặc trưng của phương Đông với tính chất hướng về ánh sáng, phát triển có gốc rễ và tăng trưởng theo thời gian. Chủ nhà thích dùng nhiều đồ gỗ để thấy ấm cúng, sang trọng và hòa hợp hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là tâm lý và thị hiếu chuộng đồ gỗ, còn ngôi nhà hiện đại luôn cần sự phối hợp ngũ hành, không nên thiên về hành Mộc.
Cách thức cơ bản để định vị hợp lý các tiện nghi trong nhà là nên phân loại và hiểu rõ hơn tính chất của chúng, từ đó sẽ sắp xếp đúng vị trí và quy cách. Các chi tiết “hoàn thiện mềm” đó có thể tập trung theo ba nguyên tắc: đồng bộ, tương sinh và có điểm nhấn.
Chọn đồ đạc đồng bộ luôn giúp thống nhất nội thất, ví dụ vật dụng thuần Mộc kết hợp nội thất bọc da, vải, trải thảm, … sẽ hợp với không gian mang tính mềm mại như phòng ngủ, phòng nghe nhạc. Nguyên tắc tương sinh giữa các vật dụng tức là chọn đồ đạc tuân theo vòng ngũ hành. Ví dụ phòng tiếp khách thộc Thổ nên dùng đồ vật dạng vuông hoặc chữ nhật, dáng vẻ bề thế và bình ổn, màu nâu hay vàng (Thổ). Phòng làm việc thuộc hành Kim thì dùng vật dụng, thiết bị hi-tech với các màu đen (Thủy), trắng (Kim) sẽ hài hòa. Bên cạnh đó, cho dù không gian đã đồng bộ và tương sinh vẫn cần thêm đồ vật làm điểm nhấn để giúp nổi bật hơn. Ví dụ phòng khách cần chú ý mảng tranh treo tường hay tủ trang trí tại khu vực trọng tâm của phòng. Phòng ngủ cần lưu tâm mảng tường đầu giường làm chỗ dựa phía sau (hậu chẩm) cho người sử dụng. Điểm nhấn dù đẹp cũng cần tiết chế và vẫn nằm trong quy luật đồng bộ và tương sinh đã nêu. Cần lưu ý nhà ở không phải là quán xá hay gallery triển lãm để trưng bày đồ vật quá nhiều, dù là đồ vật đẹp.
Xem thêm: Bố trí bếp liền kề phòng khách có ưu nhược điểm gì, nên hay không?
NỘI DUNG LIÊN QUAN