Dưới đây là kinh nghiệm xây nhà xương máu được anh Dũng – một người từng trải qua việc xây dựng 4 ngôi nhà trong quãng thời gian 10 năm chia sẻ một cách chân tình.
XÂY NHÀ: CÂU CHUYỆN MUÔN THUỞ NÓI HOÀI KHÔNG HẾT…
Đây là câu chuyện từ một gia chủ với những lời chia sẻ chân thành được đúc kết từ những kinh nghiệm “đau thương” và quý báu. Qua 10 năm, anh Dũng – do điều kiện công việc và tài chính cho phép – đã xây và lần lượt chuyển qua 4 căn nhà. Mỗi lần xây là một lần kinh nghiệm nhưng chuyện xây nhà cứ “nói hoài không hết” đối với anh.
Kinh nghiệm đầu tiên, anh khẳng định là phải chọn cho được người thiết kế và nhà thầu chuyên nghiệp. Chữ chuyên nghiệp ở đây, theo anh Dũng, nên hiểu một cách đơn giản là có làm được việc hay không? Muốn hiểu nhà thầu và nhà thiết kế có chuyên nghiệp hay không, cách tốt nhất là hãy gặp các khách hàng của họ và xem các tác phẩm của họ. “Đây là việc không bào giờ nên bỏ qua khi quyết định chọn nhà thầu, người thiết kế”, anh Dũng nhấn mạnh.
Anh Dũng có được kinh nghiệm này là nhờ… ngôi nhà đầu tiên mà anh xây từ 10 năm trước. Cậy là quen nhiều kiến trúc sư, khi xây nhà anh mới tính chuyện nhờ vả. Một người quen giúp cho ý tưởng thiết kế với “sản phẩm” chủ yếu là mấy cái bản vẽ mặt bằng, mặt đứng và tạm tính kết cấu. Anh ôm bản vẽ đi gặp cai của một nhóm thợ để thuê công nhân xây nhà. “Cái thiệt hại lớn nhất của mình khi xây căn nhà đó là mình đã mất quá nhiều thời gian cho việc xây nhà. Mình bỏ thời gian để đi làm cái việc không phải là chuyên môn của mình, vừa khó, vừa sai, vừa tốn kém”, anh Dũng nhớ lại. Cái việc “không phải chuyên môn” đó là tự thêm vào thiết kế theo ý thích, tự chọn đồ, tự “phăng-tê-di” tạo hình… Vì là tự làm nên làm xong mới thấy… bất hợp lý. Lại đập, lại sửa. Việc giải quyết những bất hợp lý này mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Không ai có thể bỏ cả công việc của mình để đi “ôm” việc xây nhà nên đến lúc mệt mỏi thì đành buông xuôi, làm cho xong.
“Mình làm sai mà mình cứ nghĩ rằng mình đã đúng, mà không hề biết rằng đã có rất nhiều người đã sai giống mình. Tại sao? Tại vì bên cạnh mình không có kiến trúc sư và nhà thầu chuyên nghiệp để chỉ ra cái sai của mình. Những kiến trúc sư, nhà thầu là người đã tiếp xúc, đã trải qua rất nhiều tình huống tương tự như mình rồi. Họ biết hết, tại sao mình lại không đi hỏi”, anh Dũng nói.
Đến lúc xây ngôi nhà thứ hai, anh Dũng đi tìm nhà thầu và kiến trúc sư để ký hợp đồng.
Cái “được” lớn nhất, theo anh Dũng là căn nhà của mình đã được giải quyết các vấn đề về kết cấu đủ an toàn, bố trí mặt bằng đúng công năng, tiện ích, có thẩm mỹ đáp ứng được ý muốn của mình và không có những lỗi ngô nghê. “Có người ngại tốn kém ở khoản này nhưng bằng kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng tiền thiết kế là không đắt nếu không nói là… rẻ”, anh Dũng giải thích. Ví dụ như căn nhà này, tổng chi phí xây dựng là 1,6 tỉ đồng, tiền thiết kế phí là 32 triệu đồng, tương đương 2%. “Tôi nói rẻ, thậm chí rất rẻ nếu đặt trong sự so sánh với việc mình tự làm, chắc chắn sẽ tốn hơn 32 triệu đồng rất nhiều, chưa kể phát sinh”, anh Dũng khẳng định.
Nhưng tìm được kiến trúc sư, nhà thầu chuyên nghiệp thì chủ nhà lại có những việc khác phải lo.
Việc đầu tiên là phải nói hết, nói đủ, nói đúng những yêu cầu của mìn cho kiến trúc sư. “Việc này coi vậy mà không dễ, tôi đảm bảo gọi đúng tên nhu cầu và ý thích của mình không phải là việc nói một lần đã xong”, anh Dũng chia sẻ.
Tiếp theo là chuyện “quản lý công trình”. Nhiều người xây nhà chọn mọi thứ theo tiêu chí rẻ đầu tiên nhưng không hề biết rằng rẻ mà không hợp lý sẽ thành đắt. Anh Dũng có nhiều kinh nghiệm trong việc này. Ví dụ như khi nhà thầu đề nghị chọn gạch Đồng Nai, chủ nhà có thể chọn loại khác giá thấp hơn mà không thể tính được gạch giá rẻ xây lâu hơn, tốn nhiều vữa tô trát hơn do viên gạch không đồng đều. Anh Dũng kể chuyện, một hàng xóm của anh xây nhà và có quan điểm “không tin ai, nhìn đâu cũng thấy mình bị thiệt”. Vị chủ nhà này tự đi trả giá mua sắt thép. Khi cân thép tại công trường, thợ mới chỉ cho cái “mánh” của người bán là đạp chân để tăng ký. Thế là cãi nhau. Rồi tự mua vật liệu thì phải tổ chức giữ gìn, trông coi, phải quản lý, phải đối phó với kẻ trộm. Bao nhiêu việc phức tạp. Có những chủ nhà sau khi xây nhà xong, nhắc đến chuyện xây nhà là “lắc đầu lè lưỡi” là vì vậy. “Tất cả những việc đó rất mất thời gian, công sức. Khi tính toán, mình phải tính cả những chi phí vô hình đó vào phí để nếu có điều kiện, thì nên khoán thẳng cho nhà thầu”, anh Dũng kết luận.
Một vấn đề tâm lý nữa mà các chủ nhà thường hay gặp là cứ nghĩ rằng đi mua vật liệu theo mối do nhà thầu chỉ thì mình sẽ bị mua mắc do “kê giá cho hoa hồng”. Bằng kinh nghiệm của mình, anh Dũng cho rằng đây là mối lo không cần thiết. Chủ nhà hoàn toàn có thể so sánh đối chiếu giá, sản phẩm cùng chủng loại để đi đến kết luận: nhưng nên lưu ý, nhà thầu là người thường xuyên mua nhiều, nhà cung cấp cho nhà thầu cũng có mối quan hệ sẵn, đó là điều đảm bảo về giá, về chất lượng, về việc đổi hàng khi cần thiết.
Điều cuối cùng mà anh Dũng muốn chia sẻ với các chủ nhà là nên có hồ sơ theo dõi việc xây dựng, ghi chép cẩn thận các nhà cung cấp, lưu giữ hóa đơn, phiếu bảo hành cho ngăn nắp. Phải có cách chuẩn bị tiền bạc cho đủ, kịp thời. Giai đoạn hoàn thiện nhà là lúc chủ nhà phải quan tâm vì chỉ một trục trặc nhỏ sẽ làm gián đoạn nhiều công việc khác, dẫn đến những thiệt hại và ảnh hưởng tiến độ. Hồ sơ nhà giúp chủ nhà đặt mua đồ đúng chủng loại, đủ số lượng. Khi mua đồ, nên khảo sát và đặt cọc trước. Ví dụ, nếu gạch lát chưa có, thợ hồ phải chờ gạch, thợ sắt phải chờ thợ hồ, thợ làm cửa phải chờ thợ sắt… Cả một dây chuyền sẽ bị chựng lại.
Theo Kiến trúc và Đời sống
Cùng Kiến trúc Bộ Ba tạo tác những đường nét sinh động cho cuộc sống của bạn.
Mọi chi tiết cần được tư vấn về thiết kế và xây dựng, xin liên hệ:
Công ty Cổ phần Thiết kế Xây dựng Bộ Ba
Add: Số 5 Trương Công Định – P.14 – Q.Tân Bình – Tp.HCM
Hotline: 0911.64.11.77
Website: http://kientrucboba.com/
Email: info.congtyboba@gmail.com
NỘI DUNG LIÊN QUAN