NGUYÊN TẮC VÀNG LÀ THUYẾT PHỤC
Chân dung một kiến trúc sư với công việc quản lý thiết kế của một công ty kinh doanh nhà. Đó là kiến trúc sư Nguyễn Thị Năng. Làm công việc có thể coi là trung gian giữa kiến trúc sư và khách hàng, chị Năng có “Nguyên tắc vàng” là thuyết phục mọi người bằng sự hợp lý.
1. Quan hệ với khách hàng
Chị Năng kể về một kỷ niệm. Ngày mới ra trường năm 1976, chị nhận thiết kế ngôi nhà ở một tỉnh lân cận thành phố. Gọi là nhà ở nhưng thực tế đó là một biệt thự. Say mê, cao hứng với những ý tưởng của mình về một biệt thự đẹp, chị vẽ mái ngói của ngôi nhà tạo thành một “jeux de toitures” – tạm dịch là biến tấu của mái – mà chị rất đắc ý. Sauk hi xem bản vẽ sơ phác, chủ nhà đã hỏi: “Vậy vị trí chuồng heo ở đâu?”. Nội dung này, khi đưa yêu cầu thiết kế, chủ nhà không đề cập đến, lúc bấy giờ lại xem như đương nhiên phải có.
Nghe câu hỏi đó, chị không biết trả lời ra sao vì thực sự chị cũng không nghĩ đến. Bạn đọc bây giờ chắc ít hình dung thời buổi ấy, sản xuất tăng gia là việc làm của toàn xã hội. Nuôi heo là việc mà nhiều gia đình ở cả nông thôn, thành phố cùng phải làm. Vậy là trong niềm vui cao hứng của người thiết kế, chị đã biết đến nhu cầu của khách hàng để thiết kế nhà cho họ.
Kể lại kỷ niệm ngô nghê thời mới ra trường để liên hệ với thực tế hiện tại, chị Năng tổng kết cho mình một kinh nghiệm là phải biết lắng nghe khách hàng nhiều và kỹ. Thậm chí, có khi phải nghe những chi tiết nhỏ về thói quen sinh hoạt của chủ nhà để có thể đưa ra giải pháp thỏa đáng.
Những khách hàng của năm 2007 cũng khác xa khách hàng của năm 1976.
Chị mô tả chân dung nhóm khách hàng: “Người tìm đến với dịch vụ thiết kế, mua nhà đa số khoảng ngoài 30 tuổi. Họ đã gặt hái được thành công nhất định trong cuộc sống. Với họ, gia đình là rất quan trọng và tất nhiên, không gian sống của họ rất được chú ý. Tỷ lệ gia đình có xe hơi rất cao. Có cảm giác tất cả họ đều đã từng đi nước ngoài. Họ có thể thuê thường trực hoặc thuê theo giờ nhưng hầu như ai cũng có người giúp việc”.
Những khách hàng ngày nay có hiểu biết về thẩm mỹ, có yêu cầu, đòi hỏi cao về chất lượng nhà và tổ chức không gian sống. “Người dân đang chi tiêu cho kiến trúc ngày càng nhiều và tất nhiên, họ cũng đòi hỏi cao hơn”, chị Năng nhận định.
Khác với ngày xưa, thậm chí cách đây ít năm, khách hàng chỉ biết chú ý đến ngôi nhà và công năng sử dụng của nó. Những khách hàng hiện nay có cái nhìn toàn diện hơn cả về quy hoạch và thẩm mỹ.
Ở dự án Thảo Nguyên Sài Gòn tại quận 9, đã có khách hàng nói: “Tôi mua căn nhà này vì cảnh quan chung của toàn khu, đó là môi trường và chất lượng sống mà tôi thấy phù hợp và thích thú”.
Với những khách hàng như vậy, công việc của người kiến trúc sư (KTS) thực sự là một quá trình thuyết phục khách hàng bằng sản phẩm và sự chân thành của mình.
Có thể nói khách hàng cần một mái ấm chứ không đơn giản là một mái nhà. Tiền có thể mua được mái nhà chứ không mua được mái ấm. Vì vậy, nhiệm vụ của người thiết kế là tạo ra một không gian sống thoải mái, phù hợp với người sống trong đó, đồng thời tạo những điều kiện tiện dụng, là tiền đề để mái nhà có thể trở thành mái ấm.
Chẳng hạn như dãy nhà phố ở Tân Thuận Đông, quận 7 được thiết kế chừa 2,5 mét phía sau nhà làm lối đi chung dù chủ nhà phải trả tiền cho khoảng đất này. Cũng có ý kiến cho rằng khách hàng sẽ khó chấp nhận. Sau khi được thuyết phục trên cơ sở tiện dụng riêng kết hợp với lợi ích chung, tất cả khách hàng đều vui vẻ đồng ý.
Vấn đề là phải hiểu khách hàng muốn gì, phải luôn lưu ý đến hoạt động thăm dò ý kiến khách hàng, kể cả người chỉ ghé qua văn phòng tìm hiểu đến những người đã đặt bút ký hợp đồng mua nhà. “Ý kiến khách hàng luôn mang lại điều bổ ích cho mình vì thật sự, ngôi nhà mà mình tạo ra là để cho họ chứ không phải cho mình hoặc người KTS ở”, chị Năng tâm sự.
Ví dụ, trong những căn biệt thự, nếu làm garage 3×5 mét có thể phù hợp với mình nhưng khách hàng lại thích một chiếc xe dài hơn 5 mét thì garage 3×6 mét là lựa chọn của họ. Việc chọn kích thước nào chứng tỏ mình đang làm vì ai, vì mục đích gì.
Người KTS chỉ thiết kế nhà cho mình một lần, hoặc vài lần trong đời, còn lại là luôn luôn làm việc với khách hàng, là những người thuộc nhiều tầng lớp xã hội muốn xây dựng công trình hoặc là để ở, để làm việc, để nghi ngơi giải trí, hoặc là để kinh doanh. Dù với một trong những mục đích nào trên đây, người khách hàng đó có một số tiền khá lớn, và muốn sử dụng số tiền đó theo ý muốn riêng của họ.
Khác với khách hàng của bác sĩ, gần như bác sĩ nói gì bệnh nhân cũng nghe theo, khách hàng của KTS luôn luôn đòi hỏi được thiết kế theo ý thích riêng của họ, vì nghĩ là họ có quyền xài tiền của họ theo ý muốn. Kiến trúc lại là một sản phẩm có tổ chức không gian, nhìn bản vẽ hai chiều (2D) phải hình dung được không gian ba chiều (3D). Do đó để có thể bàn về “ngôi nhà trong mơ” của khách hàng, KTS cần phải thuyết minh và thuyết phục. Bên cạnh khả năng chuyên môn thì khả năng thuyết phục khách hàng là điều kiện rất cần thiết khi hành nghề thiết kế.
“Sự hợp lý và lòng chân thành luôn có sức thuyết phục. Kinh nghiệm của tôi đơn giản là như vậy. Tôi nghĩ mình phải trình bày được hết các giải pháp với khách hàng, làm cho khách hàng cảm thấy họ chọn được cái mà họ cần, đồng thời sự lựa chọn dó lại theo đúng giải pháo mong muốn của người thiết kế. Người KTS giỏi nghề là người đã biết trước khách sẽ chọn cái gì trong các giải pháp mà mình đưa ra”, chị Năng kết luận.
2. Quan hệ với kiến trúc sư
Một KTS từng nhận xét về chị Năng: “Với tư cách là người quản lý, thẩm định thiết kế, chị Năng có những điều chỉnh thiết kế mà KTS cũng phải tâm phục khẩu phục.
Quá trình làm việc với các KTS lại đòi hỏi những khác biệt với khách hàng. Nguyên tắc vàng của chị Năng vẫn là thuyết phục. Thuyết phục trên cơ sở hợp lý.
Làm nhiệm vụ quản lý thiết kế, chị Năng chính là người thay mặt chủ đầu tư / khách hàng giao nhiệm vụ thiết kế cho các KTS, theo dõi quá trình thi công để ra sản phẩm hoàn chỉnh là hàng loạt những ngôi nhà.
Làm việc với chủ đầu tư là những công ty đầu tư bất động sản, việc thiết kế có đặc thù riêng, vì lúc bấy giờ, KTS được yêu cầu thiết kế cho những tầng lớp “khách hàng chung chung”, những khách hàng vô hình mà đến khi mua nhà, họ mới trở thành khách hàng cụ thể. Việc này hoàn toàn khác với khi thiết kế cho một cá nhân, khách hàng xác định những ý muốn của họ rất rõ ràng, việc thiết kế trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Tất nhiên chủ đầu tư phải nghiên cứu thị trường và xác định được chủ trương thiết kế của họ để làm đề bài cho KTS, tuy nhiên việc đáp ứng thị hiếu của “khách hàng chung chung” theo từng thời điểm làm cho chủ trương thiết kế này bị thay đổi, KTS tự vấn thiết kế cũng bị ảnh hưởng.
Dự án Thảo Nguyên Sài Gòn ở quận 9 gồm một loạt biệt thự xây dựng trên địa hình đất dốc dạng đồi. Mới đầu công ty dự định xây các biệt thự liên lập, song lập. Nhưng sau đó, qua quá trình tiếp xúc, nhận thấy khách hàng đều thích biệt thự đơn lập, quy hoạch của dự án đã được điều chỉnh để tạo ra sản phẩm phù hợp với khách hàng.
Ngoài ra, thiết kế cho những công ty đầu tư bất động sản nghĩa là thiết kế công trình nằm trong các dự án, người thiết kế cần quan tâm đến sự hài hòa chung, cần có cái nhìn tổng thể để khi được “xếp hàng loạt”, những căn nhà đạt được vẻ đẹp đô thị.
3. Niềm vui công việc
Cái nguyên tắc vàng là thuyết phục bằng sự hợp lý có vẻ phù hợp với nữ giới. Còn công việc kiến trúc có phù hợp với nữ giới hay không? Chị Năng kể về công việc của người thiết kế không phải chỉ là ngồi trước máy tính và… vẽ. Thực ra một công trình chỉ có thể hoàn chỉnh được trên bản vẽ chừng 80%. Phần 20% còn lại là hoản chỉnh tại công trường. Có những điều, kể cả người làm kiến trúc cũng chỉ có thể quyết định được tại công trường.
Năm 1994, chị ghi tên đi học lớp AutoCAD và là một trong những người… lớn tuổi nhất lớp. Theo đuổi lớp học khi chưa biết rành về máy tính, về hệ điều hành chị đã phải tự vượt qua nhiều khó khăn. Đó là thời gian làm việc với công ty ASCA, chị và các đồng nghiệp đi thuê máy theo từng tiếng để… vẽ. Lúc công ty mua được chiếc máy tính đầu tiên, chỉ là chiếc máy tính 386 với cấu hình hạn chế, chị và các đồng nghiệp đã rất vui mừng.
Trong tình trạng máy móc hạn chế như vậy, tự học vẽ phối cảnh bằng phần mềm 3D để có thể nghiên cứu hình khối kiến trúc cũng nhờ sự hào hứng, yêu nghề.
Ban ngày là công việc với khách hàng, với công trường thi công. Đêm mới chính là thời gian người làm thiết kế thả hồn sáng tác.
“Có những buổi mải mê với bản vẽ, với ý tưởng, lúc quay ra thấy trời đã sáng rồi. Sự đam mê chính là niềm vui của công việc”, chị Năng kể.
Theo Kiến trúc và Đời sống
Cùng Kiến trúc Bộ Ba tạo tác những đường nét sinh động cho cuộc sống của bạn.
Mọi chi tiết cần được tư vấn về thiết kế và xây dựng, xin liên hệ:
Công ty Cổ phần Thiết kế Xây dựng Bộ Ba
Địa chỉ: Số 5 Trương Công Định – P.14 – Q.Tân Bình – Tp.HCM
Hotline: 0911.64.11.77
Website: http://kientrucboba.com/
Email: info.congtyboba@gmail.com
NỘI DUNG LIÊN QUAN