NHỮNG ĐIỀU LƯU Ý KHI THIẾT KẾ CHỖ GIẶT PHƠI
Làm sao để kiến trúc và phong thủy những khoảng “phụ” này, không gian dành cho giặt, phơi không ảnh hưởng đến những chỗ “chính” khác, bởi thực chất trong một ngôi nhà tiện dụng thì không thể gọi chỗ nào là phụ cả.
Nếu kết hợp được chỗ giặt cùng với sân phơi thì sẽ đỡ di chuyển nhiều, đồng thời sẽ không bị ảnh hưởng xấu về phong thủy. Cụ thể là những hướng xấu, hướng ít giao tiếp thường bố trí sân phơi và chỗ giặt, tất nhiên là có che chắn hợp lý để không hư máy giặt hoặc nắng gắt làm hại quần áo. Tốt nhất là làm thành phòng giặt (dù nhỏ) kề cận với sân phơi có mái và chung quanh là khung (hoặc lưới) để tránh mưa nắng trực tiếp và ngăn đồ đạc không bị thất lạc. Ngoài ra, nên dự phòng một phần phơi đồ trong nhà vào những mùa mưa bão, có thể kết hợp làm nơi ủi và soạn đồ.
Chỗ giặt và phơi đồ cũng phải đặt khuất tầm nhìn từ ngoài vào, với nhà trệt thường ở giếng trời (phía sau) hay sàn nước, còn nhà có mái bằng thì dùng sân thượng là hợp lý. Tuy nhiên cần chú ý sân phơi dù là trên sân thượng khá cao thì vẫn nên đặt về phần sân phía sau của nhà để vừa tránh lộ ra mặt tiền thiếu thẩm mỹ, vừa không phải mang quần áo qua lại phòng thờ (thường hay xoay ra sân trước). Đây là điều phong thủy vốn kỵ: không treo y phục trước minh đường và nơi trang nghiêm! Các hướng đông, đông bắc, bắc và tây bắc là hướng có trường khí thuộc dương, phù hợp để bố trí chỗ giặt phơi vốn thuộc âm.
Âm dương và ngũ hành hợp lý
Khi đặt nơi giặt phơi tại tầng trệt (nhà vườn) nên lưu tâm lót gạch, tạo dốc tốt, tránh để sân lộ đất vì thổ khắc thủy, đã ẩm càng ẩm thêm và nước giặt cũng làm xói mòn đất. Riêng với bếp, khu vực mang tính hỏa, mà thủy khắc hỏa nên không được bố trí chỗ giặt – phơi trong bếp hoặc bên cạnh bếp (quần áo sẽ bị ám khói hoặc dễ bắt lửa gây hỏa hoạn, đồng thời nước giặt làm bếp thêm ẩm ướt).
Nơi giặt giũ là chỗ có lượng nước sử dụng thuộc loại nhiều nhất trong nhà, do đó đây là chỗ cần chú ý cấp thoát nước (lai khử thủy) đầy đủ. Có nước nhiều nhưng chỗ giặt lại mang tính chất khác biệt với nhà tắm hay nhà xí, người làm việc có thể ngồi lâu (nếu giặt tay) hoặc giặt máy thì cũng phải có chỗ soạn đồ, do đó không nên đặt chung khu giặt giũ với khu vệ sinh, sẽ khá bất tiện lúc sử dụng.
Nếu là nhà trệt còn diện tích thì có thể tách hẳn thành một khu giặt phơi sau nhà kết hợp khu vực để máy bơm và bồn nước. Nếu là nhà lầu thì cần làm miệng thu thoát nước riêng (không chung với WC hay thoát nước mưa) và bố trí sàn âm thấp xuống so với sàn nhà để hạn chế nước giặt chảy tràn lan ra. Trường hợp là căn hộ chung cư thì cũng chú ý xem có thể đặt máy giặt tại hành lang hay kho hay không.
Chỗ giặt phơi vốn mang tính âm cao, nếu lại đặt trong môi trường âm nữa thì sẽ âm thịnh dương suy, không khí ẩm ướt, quần áo khó mà khô ráo sạch sẽ được, nhiều nước xả ra dễ làm sàn trơn trượt. Vì thế tốt nhất là phải đặt khu giặt và phơi tại chỗ có nhiều ánh sáng (dương quang) chiếu vào để vừa cân bằng âm dương, vừa khô ráo, dễ dàng đi lại thao tác và giúp người làm việc thoải mái, dễ chịu.
Đó là những điều cần chú ý khi thiết kế chỗ giặt phơi. Dù không được đánh giá đúng tầm quan trọng nhưng trong thực tế, chỗ giặt phơi là nơi chiếm nhiều thời gian trong sinh hoạt thường nhật và có sự ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm sống.
Theo Kiến trúc và Đời sống
Cùng Kiến trúc Bộ Ba tạo tác những đường nét sinh động cho cuộc sống của bạn.
Mọi chi tiết cần được tư vấn về thiết kế và xây dựng, xin liên hệ:
Công ty Cổ phần Thiết kế Xây dựng Bộ Ba
Add: Số 5 Trương Công Định – P.14 – Q.Tân Bình – Tp.HCM
Hotline: 0911.64.11.77
Website: http://kientrucboba.com/
Email: info.congtyboba@gmail.com
NỘI DUNG LIÊN QUAN